5 thương hiệu bạn không thể tìm thấy trên Shopee và TikTokShop
Những năm gần đây, thương mại điện tử đã trở thành một phần không thể thiếu của thị trường bán lẻ Việt Nam. Với sự phát triển mạnh mẽ của các sàn giao dịch như Shopee, Lazada và TikTokShop, việc mua sắm trực tuyến đã trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn bao giờ hết. Dường như bạn có thể tìm thấy rất nhiều thương hiệu từ lớn đến nhỏ, từ doanh nghiệp đến những cửa hàng bán lẻ đều có mặt trên các sàn này.
Thế nhưng, trong bối cảnh mà người tiêu dùng Việt Nam đang dần hình thành thói quen mua sắm trên các sàn thương mại điện tử, đôi lúc bạn sẽ chợt thấy có một số thương hiệu lớn vẫn chọn lựa con đường sử dụng duy nhất website của riêng họ mà không mở bất kỳ gian hàng nào trên các sàn thương mại điện tử sầm uất.
Bạn có từng nghĩ ẩn sau những quyết định này là gì và liệu nó có mang lại lợi ích gì cho họ không?
Thương hiệu không sử dụng Marketplaces
Một số thương hiệu quốc tế và trong nước đã lựa chọn không mở gian hàng chính thức trên các nền tảng như Shopee, Lazada, hoặc TikTok Shop ở Việt Nam. Điển hình là:
- Nike: Là biểu tượng toàn cầu trong ngành thời trang thể thao, Nike nổi tiếng với các dòng sản phẩm đa dạng từ giày, quần áo đến phụ kiện. Tại Việt Nam, Nike tập trung phát triển qua website chính thức và các cửa hàng lẻ, giữ vững chất lượng và hình ảnh thương hiệu thông qua việc kiểm soát trực tiếp quá trình phân phối.
- Zara: Thương hiệu thời trang đến từ Tây Ban Nha này nổi tiếng với việc cập nhật xu hướng nhanh chóng và phong cách thiết kế độc đáo. Zara chọn cách không tham gia vào các sàn TMĐT tại Việt Nam để đảm bảo sự độc quyền trong phân phối sản phẩm và duy trì hình ảnh thương hiệu cao cấp.
- Uniqlo: Với triết lý "LifeWear" - quần áo cho cuộc sống hàng ngày, Uniqlo từ Nhật Bản đã chiếm được cảm tình của người tiêu dùng bởi sự đơn giản, chất lượng và giá cả phải chăng. Việc không bán hàng trên các sàn TMĐT giúp Uniqlo duy trì sự đặc biệt trong trải nghiệm mua sắm và quản lý chất lượng sản phẩm một cách chặt chẽ.
- Lyn VN: Thương hiệu thời trang Lyn, với nguồn gốc từ Việt Nam, đã tạo dấu ấn mạnh mẽ trong phân khúc thời trang cao cấp. Lyn VN không chỉ nổi bật với thiết kế tinh tế và sang trọng mà còn trong việc kiểm soát kênh phân phối, không tham gia vào các sàn thương mại điện tử để giữ vững sự độc đáo và giá trị của thương hiệu.
- Adidas: Trường hợp của Adidas tại Việt Nam đặc biệt hơn khi hãng này có mặt trên các sàn TMĐT nhưng chỉ với những mẫu outlet hoặc truyền thống. Những bộ sưu tập mới và sản phẩm đặc biệt thường chỉ được phân phối qua website chính thức hoặc cửa hàng bán lẻ. Điều này giúp Adidas duy trì sự độc quyền cho những sản phẩm mới và giữ vững giá trị thương hiệu của mình.
Lý do đằng sau quyết định không bán trên Marketplaces
1. Kiểm soát hình ảnh thương hiệu
Kiểm soát hình ảnh thương hiệu là một trong những lý do chính khiến các thương hiệu lớn không tham gia vào sàn thương mại điện tử. Đây không chỉ là vấn đề về kiểm soát hình ảnh và thông điệp mà còn về việc cung cấp một trải nghiệm mua sắm độc đáo và nhất quán cho khách hàng.
Khi bán hàng trên trang web riêng, thương hiệu có thể thiết kế mọi khía cạnh từ giao diện, cách trình bày sản phẩm, đến cách tương tác với khách hàng, nhằm đảm bảo trải nghiệm mua sắm phản ánh đúng giá trị và định vị của thương hiệu. Ngược lại, trên các sàn TMĐT, khả năng này bị hạn chế do các thương hiệu phải tuân thủ theo giao diện và quy định chung của sàn.
Khi nhìn vào website của các thương hiệu thời trang lớn như Zara và Uniqlo, chúng ta sẽ thấy họ sử dụng rất nhiều filter để tìm kiếm sản phẩm như tìm kiếm theo màu sắc, theo size, theo giá,... và danh mục sản phẩm của họ cũng được thể hiện rất chi tiết trên website. Bởi lẽ những thương hiệu này cung cấp một danh mục sản phẩm cực kì đa dạng từ kiểu dáng đến màu sắc, nên họ cần phải tối ưu rất nhiều để việc tìm kiếm của khách hàng thuận tiện hơn, điều mà các sàn thương mại điện tử khó có thể đáp ứng được.
Marketplaces cung cấp một thiết kế đồng nhất cho tất cả các thương hiệu trên nền tảng và thường cung cấp các công cụ và tài nguyên hạn chế để tạo nội dung. Điều này khiến các thương hiệu khó thể hiện thương hiệu riêng của mình và gần như bị hòa lẫn với các thương hiệu khác.
Khi thương hiệu kiểm soát được trải nghiệm này, họ có thể tối ưu hóa việc truyền tải thông điệp, giá trị cốt lõi, và tạo dựng mối quan hệ lâu dài với khách hàng, từ đó nâng cao giá trị thương hiệu và lòng trung thành của khách hàng.
2. Bảo vệ giá trị sản phẩm
Đối với các thương hiệu cao cấp, việc duy trì giá trị và định vị sản phẩm là điều cực kỳ quan trọng. Trên các sàn TMĐT, sản phẩm thường phải cạnh tranh về giá cả với hàng loạt các thương hiệu và nhà cung cấp khác, điều này có thể dẫn đến sự hạ giá sản phẩm và làm mất đi giá trị đặc biệt mà thương hiệu muốn gìn giữ.
Trên thị trường như Việt Nam, nơi mà sự cạnh tranh về giá cả trên các sàn TMĐT khá cao, việc duy trì giá trị sản phẩm qua kênh phân phối riêng là cực kỳ quan trọng.
Nếu để ý, chúng ta sẽ thấy những thương hiệu thời trang cao cấp như Chanel, Louis Vuitton, Gucci đều không bán sản phẩm trên các sàn TMĐT cũng như không cho phép bên thứ ba phân phối để duy trì sự độc quyền và giữ giá trị cao cho sản phẩm của mình. Việc bán hàng trực tiếp qua cửa hàng chính thức hoặc trang web của hãng giúp họ kiểm soát giá cả và tránh sự cạnh tranh không lành mạnh từ những seller hay thậm chí là những bên hàng giả.
Thử tưởng tượng nếu một ngày, những sản phẩm cao cấp này đột nhiên xuất hiện tràn lan trên các sàn TMĐT với hàng loạt voucher giảm giá, thì liệu lúc đó người tiêu dùng sẽ nghĩ gì và có còn cảm nhận được giá trị của những sản phẩm này không?
Bảo vệ giá trị sản phẩm không chỉ về mặt giá cả mà còn về chất lượng và hình ảnh thương hiệu trong tâm trí người tiêu dùng. Khi khách hàng biết rằng họ không thể tìm thấy sản phẩm này trên các sàn TMĐT với giá rẻ hơn, họ sẽ cảm nhận được giá trị đích thực của sản phẩm đó.
Thêm nữa, nếu những thương hiệu này hoạt động trên sàn TMĐT, họ sẽ phải chi trả một khoản phí cho sàn trung bình khoảng 8-12% giá trị của đơn hàng. Giả sử chiếc túi trị giá 50 triệu đồng, vậy là họ đã phải chi trả cho sàn đến 5 triệu đồng phí để bán chiếc túi đó. Đây cũng là một trong những lí do mà các thương hiệu nổi tiếng không tham gia vào các sàn TMĐT.
3. Chủ động trong các chính sách của thương hiệu
Các thương hiệu lớn thường muốn giữ quyền kiểm soát hoàn toàn đối với các chính sách bán hàng và marketing của mình. Điều này là rất quan trọng, đặc biệt là đối với những thương hiệu đã xác định hình ảnh và thông điệp thương hiệu cụ thể.
Khi tham gia vào các sàn TMĐT, họ bắt buộc phải chấp nhận một số quy định và chính sách mà sàn đưa ra, điều này có thể hạn chế khả năng thực hiện các chiến dịch quảng cáo độc đáo hoặc các chiến lược giá cả đặc biệt.
Một ví dụ điển hình là Nike, hãng này không chỉ bán sản phẩm qua các cửa hàng chính thức và website mà còn thực hiện các chiến dịch tiếp thị độc đáo như phát hành những mẫu giày sneaker giới hạn. Những sự kiện ra mắt thế này sẽ rất hạn chế khi thực hiện trên các sàn TMĐT cả về vận hành lẫn marketing. Việc sử dụng nền tảng riêng không chỉ giúp Nike tạo ra sự độc quyền mà còn kiểm soát hoàn toàn quá trình tiếp thị và bán hàng, từ đó tạo ra những trải nghiệm độc đáo cho khách hàng.
Một biến động không nhỏ liên quan đến chính sách sàn TMĐT có thể kể đến là câu chuyện của Shopee Vietnam dạo gần đây. Shopee liên tục có những chính sách thay đổi để củng cố cho việc hoạt động của nền tảng như tăng phí sàn, giảm thời gian chuẩn bị hàng của shop hay nổi bật nhất chính là sự kiện tạm giam tiền của người bán để điều tra gian lận.
Ở đây, chúng ta sẽ không bàn đến vấn đề đúng sai của những chính sách mới này mà chỉ phân tích về tác động của nó đến việc bán hàng trên nền tảng. Phí sàn tăng hay giảm thời gian chuẩn bị hàng là những yếu tố tác động không nhỏ đến việc kinh doanh của cả những thương hiệu lớn và nhà bán hàng nhỏ lẻ. Và khi hoạt động trên sàn, tất cả đều phải tuân theo những chính sách này của Shopee mà không có quyền lựa chọn khác. Việc giam tiền cũng vậy, những thương hiệu có có thể sẽ không nằm trong tầm ngắm của chính sách này. Tuy nhiên, đây cũng là một hồi chuông đáng báo động về những chính sách bất ngờ ập đến của các sàn TMĐT, và khi chúng ta tham gia vào sân chơi của họ, bắt buộc phải tuân thủ.
Vậy nên, việc có cho mình một website riêng biệt sẽ giúp thương hiệu giữ quyền kiểm soát các chính sách một cách chủ động và duy trì sự linh hoạt trong cách tiếp cận thị trường, đồng thời bảo vệ hình ảnh và giá trị thương hiệu của mình.
Tác động đến người tiêu dùng và thị trường Việt Nam
Sự vắng mặt của những thương hiệu lớn trên các sàn thương mại điện tử có tác động đáng kể đến thị trường và hành vi mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam.
Đầu tiên, người tiêu dùng phải thích nghi với việc mua sắm trực tiếp từ trang web hoặc cửa hàng chính thức của thương hiệu. Điều này thường mang đến trải nghiệm mua sắm tốt hơn do những website đã được cá nhân hóa giao diện và trải nghiệm khách hàng, nhưng cũng đòi hỏi khách hàng sự hiểu biết cơ bản về công nghệ để có thể sử dụng và tìm kiếm sản phẩm trên những website khác nhau.
Thứ hai, việc không có mặt trên các sàn TMĐT giúp các thương hiệu này duy trì giá trị sản phẩm và tránh được sự cạnh tranh về giá cả. Đối với người tiêu dùng, điều này có nghĩa là họ không thể tìm thấy các ưu đãi giá rẻ như trên các sàn TMĐT, nhưng đổi lại, họ có thể an tâm về việc nhận được sản phẩm chất lượng cao và dịch vụ tốt hơn từ chính thương hiệu.
Cuối cùng, sự lựa chọn này của các thương hiệu cũng thúc đẩy sự đa dạng trong ngành thương mại điện tử Việt Nam. Các nhà bán lẻ và thương hiệu khác có thể thấy đây là cơ hội để phát triển các chiến lược kinh doanh riêng biệt, tạo ra sự đa dạng trong lựa chọn cho người tiêu dùng và khuyến khích sự sáng tạo trong ngành.
Kết luận
Khi thị trường thương mại điện tử vẫn đang bùng nổ tại Việt Nam, sự lựa chọn không tham gia của một số thương hiệu lớn phản ánh một chiến lược riêng biệt và chủ động. Điều này không chỉ phản ánh sự đa dạng trong cách tiếp cận thị trường mà còn tạo ra những thách thức và cơ hội mới cho ngành TMĐT. Sự lựa chọn này của các thương hiệu lớn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm soát trải nghiệm thương hiệu, bảo vệ giá trị sản phẩm, và chủ động trong chính sách kinh doanh. Đối với người tiêu dùng, đây là cơ hội để tìm hiểu và trải nghiệm một cách mua sắm khác biệt, đồng thời cũng là dấu hiệu của sự thay đổi trong thói quen mua sắm và kỳ vọng về chất lượng sản phẩm trong những năm sắp tới.