Brand.com vs Marketplaces: Đầu tư cho kênh nào trong năm 2024?

#Ecommerce January 26, 2024
Brand.com vs Marketplaces: Đầu tư cho kênh nào trong năm 2024? Brand.com vs Marketplaces: Đầu tư cho kênh nào trong năm 2024?

Trong những năm gần đây, sự bùng nổ của thương mại điện tử đã mở ra cơ hội cho hàng loạt nhà bán hàng chuyên nghiệp cũng như các nhà bán nhỏ lẻ như cá nhân, hộ kinh doanh, từ thương hiệu nổi tiếng toàn cầu cho đến các thương hiệu mới nổi từ thị trường nội địa.

Sự gia nhập và xâm chiếm thị trường Việt Nam đến từ những gã khổng lồ về thương mại điện tử như Lazada, Shopee hay mới nhất là trào lưu TikTokShop đã góp phần lớn trong việc thay đổi hành vi mua hàng trực tuyến của người tiêu dùng tại Việt Nam.

Đối với các thương hiệu lớn, việc lựa chọn đẩy mạnh bán hàng theo trào lưu của sàn thương mại điện tử (Marketplaces) hay xây dựng website thương hiệu riêng (Brand.com) là câu hỏi hóc búa cũng như định hình chiến lược kinh doanh trực tuyến của doanh nghiệp.

Trong phạm vi bài viết này, Meowcart sẽ cung cấp cái nhìn sâu sắc và toàn diện về cả hai hình thức, giúp doanh nghiệp đưa ra quyết định đầu tư sáng suốt nhất.


I. Hiểu về Brand.com và Marketplaces

Marketplaces

Bán hàng Marketplaces được hiểu là việc doanh nghiệp tham gia bán hàng trên các sàn thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Tiki hay TikTokShop.

Có thể kể đến các sàn thương mại điện tử quốc tế như Amazon, eBay, Walmart,...

marketplaces

Hình ảnh: Payability

Hãy tưởng tượng về một trung tâm mua sắm sôi động, nơi có thể tìm thấy mọi thứ bạn cần từ nhiều người bán khác nhau - đó chính xác là cách hoạt động của Marketplace. Sự khác biệt duy nhất đến từ việc trung tâm mua sắm (hay chợ) có sự giới hạn về diện tích với số thương hiệu và hàng hoá có giới hạn. 

Tuy nhiên với sàn thương mại điện tử trên không gian trực tuyến có quy mô gần như không bị giới hạn về số lượng thương hiệu mà khách hàng có thể tiếp cận và mua hàng. Khi bán hàng trên Marketplaces, sản phẩm của bạn gần như sẽ được trưng bày hay xuất hiện ngay bên hàng loạt đối thủ cạnh tranh và khách hàng có hàng loạt lựa chọn theo ngân sách hay sở thích của họ.

Brand.com

Brand.com, ngược lại, là website mang thương hiệu của doanh nghiệp, là một trang web thương mại điện tử do chính thương hiệu quản lý và vận hành. Nó cho phép các doanh nghiệp tự xây dựng và kiểm soát hoàn toàn môi trường bán hàng của mình. 

Tuỳ vào nền tảng công nghệ sử dụng để xây dựng website bán hàng, mà nó có thể cung cấp các công cụ cần thiết để xây dựng, quản lý và mở rộng hoạt động kinh doanh trực tuyến. Một ví dụ điển hình là website của các thương hiệu lớn như Nike hoặc Uniqlo, nơi họ trực tiếp bán sản phẩm đến người tiêu dùng và cung cấp trải nghiệm mua hàng độc nhất dành cho khách hàng.

Nike

Ảnh: Nike.com

Có nhiều nền tảng thương mại điện tử có sẵn để doanh nghiệp có thể sử dụng để thiết lập cửa hàng trực tuyến của riêng mình, chẳng hạn như:

  • Shopify – một trong những nền tảng thương mại điện tử phổ biến nhất cho phép bạn tạo cửa hàng trực tuyến, quản lý hàng tồn kho, xử lý thanh toán và tùy chỉnh trang web của mình một cách đơn giản và nhanh chóng.
  • WooCommerce – một plugin thương mại điện tử biến trang web WordPress của bạn thành một cửa hàng trực tuyến, với các tính năng như quản lý hàng tồn kho, xử lý thanh toán và tùy chọn giao hàng.
  • Adobe Commerce (Magento) – nền tảng thương mại điện tử mã nguồn mở cung cấp các giải pháp linh hoạt và tùy chỉnh hơn Shopify hoặc WooCommerce để tạo cửa hàng trực tuyến, Tuy nhiên, sẽ đòi hỏi người dùng phải có kiến thức chuyên sâu về kỹ thuật để thiết lập.
enterprise commerce
Nguồn: Shadi Salama

 

Ngoài ra cũng có nhiều doanh nghiệp lớn lựa chọn phương án sử dụng đội ngũ nội bộ để phát triển riêng website bán hàng mà không phụ thuộc vào nền tảng của bên thứ ba.

Mỗi hình thức đều có những ưu điểm và hạn chế trong việc lựa chọn sẽ phụ thuộc vào mục tiêu kinh doanh và nguồn lực của doanh nghiệp. Để hiểu rõ hơn về từng nền tảng, hãy cùng Meowcart tìm hiểu phần tiếp theo của bài blog.

II. Khác biệt cơ bản giữa Brand.com và Marketplaces

1. Gia nhập thị trường

Brand.com

Xây dựng một website Brand.com giống như việc bạn xây dựng một ngôi nhà mang phong cách của riêng bạn để chào đón những vị khách mà bạn mong muốn. Việc này đòi hỏi rất nhiều thời gian và tiền bạc so với việc đi thuê một ngôi nhà có sẵn mọi tiện ích.

Quá trình đầu từ cho xây dựng website đến từ nhiều hạng mục, như lựa chọn nền tảng website và đối tác công nghệ, thiết kế giao diện, lập trình website, kết nối với các hệ thống của bên thứ ba, hay tích hợp cổng thanh toán, vận chuyển riêng tùy theo nhu cầu của doanh nghiệp.

Thời gian cho quá trình này có thể mất từ 1-3 tháng đối với doanh nghiệp nhỏ và lên đến 9-12 tháng đối với các doanh nghiệp tầm vóc lớn.

Shopify Plus

Nguồn: Shopify Plus

Marketplaces

Với sàn thương mại điện tử, doanh nghiệp có thể bắt đầu khởi tạo gian hàng và sẵn sàng cho việc bán hàng có thể chỉ trong vòng 1 tuần. Các công việc chủ yếu sẽ liên quan đến việc đăng sản phẩm và trang trí gian hàng trên sàn.

 Lazada

Hình ảnh: Lazada

Nên có thể tạm kết luận rằng việc bán hàng trên Marketplaces sẽ dễ dàng và nhanh chóng hơn rất nhiều so với việc xây dựng website mang thương hiệu riêng. Có lẽ vì vậy mà phần lớn các thương hiệu từ nhỏ đến lớn tại Việt Nam đang lựa chọn triển khai Marketplaces nhiều hơn so với Brand.com.

 

2. Chi phí nền tảng

2.1. Phí đầu tư

Brand.com

Như đề cập ở trên, chi phí cho việc đầu tư website thương mại điện tử sẽ lớn hơn rất nhiều lần so với Marketplaces, tuỳ theo quy mô của doanh nghiệp.

Các chi phí sẽ phát sinh trong giai đoạn này về mặt công nghệ, thiết kế và phát triển website, kết nối và đồng bộ dữ liệu,...

Theo kinh nghiệm triển khai các dự án Brand.com dành cho các thương hiệu lớn tại Việt Nam của Meowcart, chi phí triển khai một dự án enterprise có thể dao động trong khoảng $20,000 - $100,000, thậm chí cao hơn tuỳ theo quy mô của doanh nghiệp.

Tham khảo: Chi phí triển khai dự án Shopify Plus

Đương nhiên với các thương hiệu nhỏ, chi phí họ sẵn sàng đầu tư có thể chỉ khoảng vài chục triệu đến dưới 100 triệu đồng.

Marketplaces

Ngược lại, Marketplaces cung cấp sẵn một gian hàng linh hoạt với đầy đủ các tính năng cơ bản, giúp các thương hiệu tiết kiệm thời gian và chi phí đầu tư. Thương hiệu chỉ cần đăng ký tài khoản và tải lên sản phẩm của mình là có thể bắt đầu kinh doanh ngay trên Marketplaces.

Tuy nhiên, về mặt lâu dài sẽ phát sinh rất nhiều loại phí sẽ ăn mòn vào biên lợi nhuận của doanh nghiệp.

2.2. Phí giao dịch

Brand.com

Cổng thanh toán là điều bắt buộc đối với website bán hàng Brand.com. Đối với các website quốc tế, việc thanh toán trước là điều bắt buộc đối với mọi khách hàng.

Các phương thức thanh toán phổ biến ở thị trường quốc tế như Mỹ có thể kể đến PayPal, Stripe,...cho phép khách hàng thanh toán thông qua thẻ VISA, Master với mức phí dao động từ 2,6% đến 3,6% trên mỗi giao dịch.

Shop Pay rates

Nguồn: PageFly

Tại thị trường Việt Nam, mức phí giao dịch tương đối dễ chịu hơn khi dao động trong khoảng 1,5% đến 2,5% trên mỗi đơn hàng, với đa dạng các cổng thanh toán như ZaloPay, VNPAY, OnePay, MoMo,...

Tuy nhiên, vẫn có nhiều thương hiệu kết hợp cả cổng thanh toán và thanh toán khi nhận hàng (COD) hoặc chuyển khoản ngân hàng để hạn chế phí giao dịch.

Marketplaces

Ngược lại với Brand.com với phí giao dịch gần như duy nhất đến từ cổng thanh toán, nhà bán hàng trên Marketplaces sẽ phải gánh không chỉ phí giao dịch mà rất nhiều khoản phí không tên khác. 

Khi mới gia nhập thị trường, các sàn như Shopee, TikTokShop sẵn sàng chịu lỗ khi miễn phí giao dịch hoặc chỉ tính một khoản phí rất ưu đãi. Tuy nhiên, sau khi chiếm được thị phần, trung bình một đơn hàng bạn sẽ cần chi trả trung bình 8-12% giá trị của đơn hàng.

Điều này hoàn toàn dễ hiểu khi các sàn họ đã đầu tư hàng tỷ đô mỗi năm cho quảng cáo, ưu đãi để thu hút khách hàng mua sắm trên các sàn thương mại điện tử này.

The true cost of marketplace product

Nguồn: WORLDFIRST

2.3. Phí vận chuyển

Brand.com

Thương hiệu có thể tự chủ trong việc lựa chọn đơn vị vận chuyển mà mình mong muốn, cũng như tự chủ trong việc đàm phán về phí vận chuyển với nhà vận chuyển tùy theo lượng volume đơn hàng của mình.

shipping

Ảnh: Asics.com

Thông thường, các nhà vận chuyển sẽ có ưu đãi đặc biệt về giá dành cho các thương hiệu có sản lượng đơn hàng lớn.

Marketplaces

Các thương hiệu tham gia Marketplaces phải tuân theo các chính sách vận chuyển của nền tảng. Các chính sách này có thể hạn chế sự lựa chọn của thương hiệu về dịch vụ vận chuyển và chi phí vận chuyển thường sẽ cao hơn nhiều so với việc trực tiếp thương lượng với nhà vận chuyển.

2.4. Phí duy trì

Brand.com 

Với Brand.com, các thương hiệu cần chi trả các chi phí như phí hosting, bảo mật, bảo trì để duy trì nền tảng. Các chi phí này thường dao động từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng mỗi tháng dành cho các cá nhân nhỏ lẻ. Đối với các doanh nghiệp lớn, chi phí duy trì có thể lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi tháng dành cho việc sử dụng nền tảng.

Shopify Plus
Nguồn: Shopify Plus

 

Marketplaces 

Thông thường sẽ không phải tốn chi phí duy trì vì các sàn lấy lợi nhuận từ chính khoản phí giao dịch và xử lý trên mỗi đơn hàng. Tuy nhiên cũng có những Marketplaces thu phí hàng tháng từ nhà bán hàng như Amazon.

 

3. Xây dựng thương hiệu (Branding)

Brand.com

Mang đến cho các thương hiệu khả năng tự do xây dựng thương hiệu của riêng mình từ màu sắc, nhận diện thương hiệu, nội dung, đến trải nghiệm khách hàng. Các thương hiệu trên Brand.com có thể tự do thiết kế website theo phong cách riêng của mình. Điều này giúp họ thể hiện được cá tính và bản sắc của thương hiệu, tạo ấn tượng tốt với khách hàng.

feastable

Nguồn: Feastable

Các thương hiệu trên Brand.com có thể tự do thiết kế trải nghiệm khách hàng, chẳng hạn như quy trình thanh toán, chính sách đổi trả,...giúp tạo ra trải nghiệm mua sắm thuận tiện và hài lòng cho khách hàng. Các thương hiệu cũng có thể hoàn toàn tự do trong việc xây dựng các chương trình khuyến mãi đặc thù trong lĩnh vực kinh doanh của mình.

Brand.com chính là cách tốt nhất để doanh nghiệp có thể xây dựng thương hiệu vững chắc trên nền tảng internet.

Marketplaces

Ở phía ngược lại, Marketplaces cung cấp một thiết kế đồng nhất cho tất cả các thương hiệu trên nền tảng và thường cung cấp các công cụ và tài nguyên hạn chế để tạo nội dung.

marketplaces

Hình ảnh: Shopee

Điều này khiến các thương hiệu khó thể hiện thương hiệu riêng của mình và gần như bị hòa lẫn với các thương hiệu khác. Ngoài ra, Marketplaces thường tập trung vào cạnh tranh về giá và sản phẩm, khiến các thương hiệu ít có cơ hội nổi bật.

 

4. Dữ liệu khách hàng

Brand.com

Các nền tảng công nghệ đứng sau Brand.com cho phép thương hiệu nắm bắt và sở hữu những dữ liệu và phân tích liên quan đến hiệu quả kinh doanh trên website bán hàng.

Điều này giúp các thương hiệu có thể truy cập và phân tích dữ liệu một cách toàn diện, từ đó đưa ra những quyết định kinh doanh hiệu quả. 

Thương hiệu dễ dàng nắm được toàn bộ dữ liệu liên quan đến tỉ lệ chuyển đổi, nguồn truy cập đến từ đâu, thời gian truy cập trung bình trên website.

Shopify analytics

Tuy nhiên, dữ liệu quan trọng nhất chính là thông tin khách hàng và hành vi của họ. Dữ liệu này bao gồm Họ tên khách hàng, Email và số điện thoại, Lịch sử mua hàng, Địa chỉ và hành vi mua sắm của họ. 

Một số lợi ích của việc sở hữu toàn bộ dữ liệu khách hàng như: 

  • Tìm hiểu về hành vi mua sắm của khách hàng để xây dựng các chiến lược marketing và bán hàng hiệu quả
  • Tạo ra trải nghiệm mua sắm cá nhân hóa để tăng sự hài lòng của khách hàng và thúc đẩy họ mua hàng thường xuyên hơn
  • Xây dựng mối quan hệ với khách hàng để tăng lòng trung thành của khách hàng và khuyến khích họ giới thiệu sản phẩm/dịch vụ của mình cho người khác

Marketplaces

Dữ liệu khách hàng chính là điểm yếu chí mạng của các thương hiệu kinh doanh trên sàn thương mại điện tử.

Nguyên tắc của Marketplaces là không cung cấp thông tin khách hàng cho thương hiệu. Giống như việc một thương hiệu A có sản phẩm trong kệ hàng của siêu thị Coopmart, và yêu cầu Coopmart cung cấp chi tiết thông tin về danh sách khách hàng đã mua sản phẩm của thương hiệu A. Điều này là không thể.

Các doanh nghiệp cần hiểu một điều rằng, khách hàng dù mua sản phẩm của bạn trên Marketplaces, thì họ là khách hàng của Marketplaces, chứ không phải là khách hàng của bạn.

Các sàn chỉ cung cấp cho các thương hiệu những dữ liệu mà nền tảng cho phép. Điều này gây nhiều hạn chế trong việc phân tích dữ liệu, khiến các thương hiệu khó có thể hiểu rõ về khách hàng và thị trường của mình. 

Do khả năng phân tích dữ liệu bị hạn chế, các thương hiệu cũng khó có thể xây dựng các chiến lược kinh doanh hiệu quả, chẳng hạn như chiến lược marketing, bán hàng,...

 

5. Tiếp thị và quảng cáo khách hàng mới

Brand.com

Với website thương hiệu riêng, việc quảng cáo và tiếp thị đến khách hàng mới đóng vai trò then chốt đối với sự phát triển của bạn.

Toàn bộ các chiến dịch quảng cáo đều phải hướng đến việc khách hàng truy cập vào website của thương hiệu, và mục đích cuối cùng là tạo ra doanh thu qua kênh bán hàng này.

google ads

Với việc tích hợp dễ dàng các nền tảng quảng cáo phổ biến nhất toàn cầu như Meta, Google giúp việc tiếp cận hàng trăm triệu khách hàng tiềm năng với sở thích, cá tính,...phù hợp với bản sắc của thương hiệu.

Mặc dù vậy, chi phí cho các chiến dịch tiếp cận khách hàng mới thời gian đầu sẽ rất tốn kém và đòi hỏi phải liên tục đầu tư nguồn lực.

Marketplaces

Khả năng tiếp cận bằng các chiến dịch tiếp thị và quảng cáo khách hàng mới ở trên Marketplaces sẽ tập trung vào tệp khách hàng mà mỗi sàn thương mại điện tử sở hữu. Ví dụ, Shopee có tổng cộng 20 triệu người dùng, thì khả năng tiếp thị tối đa của thương hiệu sẽ dừng lại ở con số 20 triệu người dùng.

Để tạo ra doanh số trên sàn, cách hiệu quả nhất chính là sử dụng công cụ quảng cáo và đấu thầu từ khoá của mỗi sàn. Thương hiệu sẽ cần có chiến lược đấu thầu với những từ khoá có độ cạnh tranh cao với vô vàn đối thủ khác.

Thông thường, thương hiệu có thể sẽ cần chi trả trung bình 15-25% chi phí quảng cáo trên tổng giá trị đơn hàng. Cộng thêm với các khoản phí giao dịch của sàn cũng như đơn hàng hoàn huỷ, chi phí trên mỗi đơn hàng thành công có thể lên đến 40% dẫn đến sự ăn mòn vào biên lợi nhuận của doanh nghiệp.

 

6. Khả năng tiếp thị lại (Remarketing)

Brand.com

Với việc sở hữu toàn bộ dữ liệu khách hàng của mình, bao gồm thông tin về hành vi mua sắm, sở thích,... Quan trọng nhất chính là Email và số điện thoại, giúp cho việc tiếp thị lại trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.

Điều này giúp các thương hiệu dễ dàng triển khai các chiến dịch remarketing, nhắm mục tiêu lại khách hàng đã truy cập trang web hoặc mua sắm trên cửa hàng của họ.

Retargeting ads

Hình ảnh: AdRoll

Các thương hiệu có thể sử dụng dữ liệu này để nhắm mục tiêu lại khách hàng với các quảng cáo được cá nhân hóa, chẳng hạn như: 

  • Quảng cáo sản phẩm tương tự như sản phẩm mà khách hàng đã xem trước đó, 
  • Quảng cáo sản phẩm giảm giá hoặc khuyến mãi,...
  • Thông báo về việc ra mắt sản phẩm mới

Sức mạnh tiếp thị lại của Brand.com còn đến từ việc tận dụng sức mạnh của những người khổng lồ internet như Google hay Meta. Khi khách hàng truy cập website và xem một sản phẩm, thương hiệu có thể dễ dàng tạo các chiến dịch quảng cáo tiếp thị lại qua Google và Meta. Khi khách hàng truy cập Facebook hay đọc các trang báo chí, xem video YouTube, các quảng cáo của thương hiệu sẽ được phân phối trở lại đối với tệp khách hàng này.

How remarketing works

Nguồn: Hello Digital Marketing

Một điểm mạnh khác của nền tảng website riêng đó chính là chức năng khôi phục giỏ hàng chưa hoàn tất (abandoned carts), cho phép tiếp thị lại đối với những khách hàng chưa hoàn tất thanh toán trên website.

Marketplaces

Vì không sở hữu dữ liệu khách hàng, nên khả năng tiếp thị lại của các thương hiệu trên Marketplaces gần như bằng không.

Dù cho bạn có 1 triệu lượt khách hàng mua hàng trên gian hàng của bạn, bạn không thể thực hiện các chiến dịch tiếp thị lại đối với tệp khách hàng này mà chỉ có thể đổ tiền quảng cáo để các sàn cho phép bạn tiếp cận với lượng người dùng đông đảo của họ mà thôi.

 

6. Cá nhân hóa (Personalization)

Brand.com

Với khách hàng truy cập và mua hàng trên Brand.com, thương hiệu có thể sử dụng các công cụ theo dõi hành vi của khách hàng. Thông qua lịch sử mua hàng, thương hiệu có thể dễ dàng nắm bắt được sở thích của khách hàng từ đó gợi ý những sản phẩm phù hợp, giúp gia tăng tỷ lệ chuyển đổi và tăng trải nghiệm mua hàng của khách hàng.

Personalize

Hình ảnh: Nosto

Nhờ khả năng theo dõi và phân tích hành vi khách hàng một cách toàn diện và chính xác hơn nhờ việc sở hữu toàn bộ dữ liệu. Thương hiệu có thể sử dụng dữ liệu này để tìm hiểu sở thích và nhu cầu của khách hàng, xác định cơ hội bán hàng mới hay là cải thiện trải nghiệm khách hàng. Điều này giúp thương hiệu hiểu rõ hơn về khách hàng của mình, từ đó đưa ra những quyết định chiến lược liên quan đến khách hàng và sản phẩm. 

Marketplaces

Với sàn thương mại điện tử, thương hiệu chỉ có thể phân tích hành vi khách hàng ở mức độ cơ bản, vì không có toàn bộ dữ liệu, khiến các thương hiệu thiếu cơ sở để đưa ra những quyết định chiến lược hiệu quả. 

Ví dụ, một thương hiệu trên Marketplaces chỉ có thể truy cập dữ liệu cơ bản về hành vi mua sắm của khách hàng, chẳng hạn như các sản phẩm mà họ đã mua và số lần họ mua hàng. Điều này khiến họ khó có thể hiểu rõ hơn về sở thích và nhu cầu của khách hàng.

 

7. Khách hàng thân thiết

Brand.com

Với website bán hàng, thương hiệu có thể triển khai các chương trình tích điểm và đổi thưởng dành cho khách hàng thân thiết. Điều này giúp tạo ra trải nghiệm mua sắm và gia tăng sự tương tác giữa khách hàng và thương hiệu, khiến họ có xu hướng trở nên gắn bó và trung thành với các sản phẩm của thương hiệu.

Điều này có thể được thực hiện thông qua các tính năng như gợi ý sản phẩm dựa trên lịch sử mua sắm của khách hàng, gửi email chúc mừng sinh nhật hoặc ưu đãi đặc biệt cho khách hàng thân thiết.

 Rewards

Hình ảnh: new.vinamilk.com.vn

Bên cạnh đó, Brand.com cung cấp cho các thương hiệu các công cụ và tài nguyên để giúp họ cung cấp dịch vụ khách hàng tốt nhất có thể, giúp khách hàng cảm thấy hài lòng và có động lực quay lại mua hàng.

Marketplaces

Các thương hiệu bán trên sàn thường tập trung vào cạnh tranh về giá và sản phẩm và tung ra khuyến mãi liên tục, điều này khiến các thương hiệu khó xây dựng mối quan hệ sâu sắc với khách hàng. 

Ngoài ra, khách hàng có xu hướng trung thành với nền tảng hơn là với thương hiệu cụ thể, vì ở đó họ có nhiều sự lựa chọn và khó có thể tìm thấy điểm khác biệt giữa các thương hiệu cùng phân khúc. Lấy ví dụ, khách hàng có thể mua sản phẩm của thương hiệu A ở trên Shopee, nhưng không có gì đảm bảo lần tiếp theo họ sẽ tiếp tục mua sản phẩm của thương hiệu A khi có nhiều đối thủ cạnh tranh cùng phân khúc tung ra các sản phẩm có giá hấp dẫn hơn.

Theo góc nhìn của Meowcart, khách hàng mua hàng trên Marketplaces thì họ là khách hàng của Marketplaces, chứ không phải là khách hàng của thương hiệu.

 

8. Giá trị vòng đời khách hàng (CLTV)

Giá trị vòng đời khách hàng (CLTV) là tổng số tiền mà một khách hàng chi tiêu cho doanh nghiệp trong suốt thời gian họ là khách hàng. CLTV là một chỉ số quan trọng để đo lường hiệu quả của các chiến lược kinh doanh.

Customer lifetime value là gì

Nguồn: seo.co

Có sự khác biệt về CLTV rất lớn giữa việc bán hàng trên Brand.com và Marketplaces.

Brand.com

Có nhiều cơ hội để tăng CLTV như tạo trải nghiệm mua sắm cá nhân hóa giúp khách hàng cảm thấy thoải mái và hài lòng hơn, tạo chương trình khách hàng thân thiết giúp khuyến khích khách hàng mua hàng thường xuyên hơn hay đơn giản là chăm sóc khách hàng tốt giúp khách hàng cảm thấy được quan tâm và hài lòng, từ đó họ có thể chi tiêu nhiều hơn cho doanh nghiệp.

Khi khách hàng mua hàng và quay trở lại mua những lần tiếp theo, CLTV sẽ được tích lũy và tăng dần theo thời gian.

Marketplaces

Thách thức trong việc tăng CLTV do hạn chế trong việc xây dựng mối quan hệ lâu dài với khách hàng và thương hiệu cá nhân hóa. Khách hàng có nhiều lựa chọn trên Marketplaces, khiến họ dễ dàng chuyển sang thương hiệu khác nếu họ tìm thấy sản phẩm hoặc dịch vụ tốt hơn với giá cả cạnh tranh hơn. 

Bên cạnh đó, Marketplaces thường không cung cấp các tính năng cá nhân hóa cho khách hàng, khiến họ cảm thấy không được quan tâm và trân trọng.

Quan trọng hơn hết, vì thương hiệu không thể định danh được ai là khách hàng quay trở lại mua hàng lần 2, nên không thể đo lường được chỉ số CLTV.


III. Lựa chọn Brand.com hay Marketplaces?

Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt của thị trường thương mại điện tử thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, quyết định giữa việc kinh doanh trên một hoặc nhiều Marketplace hay tự phát triển một Brand.com riêng biệt không phải là một quyết định đơn giản. Mỗi một lựa chọn sẽ đều có những ưu điểm riêng biệt cũng như sẽ tác động khác nhau đến sự phát triển của doanh nghiệp. Vi thế, doanh nghiệp cần cân nhắc và lựa chọn hướng đi phù hợp với nguồn lực và chiến lược của mình để có thể lại đến hiệu quả tốt nhất.

Marketplace là lựa chọn tuyệt vời cho những doanh nghiệp mới bắt đầu, với nguồn vốn giới hạn nhưng muốn nhanh chóng thâm nhập thị trường. Hướng đi này giúp doanh nghiệp tiếp cận lượng lớn khách hàng một cách nhanh chóng mà không cần đầu tư nhiều vào cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, việc xây dựng thương hiệu và tạo dựng lòng trung thành của khách hàng sẽ trở nên khó khăn hơn trong một môi trường cạnh tranh cao như Marketplace.

Ngược lại, Brand.com cung cấp cho doanh nghiệp quyền kiểm soát toàn diện từ thiết kế đến trải nghiệm khách hàng. Đây là con đường lý tưởng cho những doanh nghiệp muốn xây dựng thương hiệu cá nhân mạnh mẽ và duy trì mối quan hệ lâu dài với khách hàng. Tuy nhiên, khi lựa chọn giải pháp này, những yêu cầu chuyên môn về kỹ thuật là tương đối cao và phức tạp. Doanh nghiệp cũng cần đầu tư nhiều thời gian và tài chính vào việc xây dựng nền tảng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần đầu tư nhiều vào các chiến lược marketing để có thể mang thương hiệu tiếp cận được với khách hàng.

Vậy, giải pháp "Mixed" hay Multi-channels liệu có phải là một lựa chọn đột phá? 

Để khai thác tối đa lợi ích của cả hai hình thức, mô hình đa kênh (Mixed) trở thành giải pháp lý tưởng. Đa kênh không chỉ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa cơ hội tiếp cận khách hàng từ nhiều nguồn khác nhau, mà còn giúp phân tán rủi ro và tăng cường khả năng thích nghi với sự thay đổi của thị trường.

Kết hợp cả hai hình thức, doanh nghiệp có thể tận dụng ưu điểm của từng lựa chọn. Ví dụ, doanh nghiệp có thể sử dụng Marketplace để thu hút khách hàng và tạo nhận diện thương hiệu, sau đó chuyển họ sang trang Brand.com của riêng mình để xây dựng mối quan hệ lâu dài. Điều này đòi hỏi người quản lý doanh nghiệp phải có sự linh hoạt và hiểu biết sâu rộng về cả hai mô hình để quản lý, đảm bảo thống nhất thông điệp và trải nghiệm khách hàng. Nếu đặt được, lợi ích thu về cho doanh nghiệp có thể là sự kết hợp hoàn hảo giữa những ưu điểm của cả 2 nền tảng.


IV. Thương hiệu thành công với Brand.com tại Việt Nam

Một số thương hiệu nổi tiếng đã triển khai thành công Brand.com chẳng hạn như Nike, Crocs, Uniqlo, và Apple. Họ không chỉ bán sản phẩm trên website của mình mà còn thông qua các Marketplace như Amazon hoặc Tmall. Sự kết hợp này giúp họ tối ưu hóa việc tiếp cận khách hàng và tận dụng tối đa lợi thế của từng kênh.

Uniqlo

Uniqlo là một trong những thương hiệu thời trang hàng đầu thế giới, với hơn 2.000 cửa hàng tại hơn 23 quốc gia và vùng lãnh thổ. Để duy trì vị thế dẫn đầu, Uniqlo đã triển khai một chiến lược đa kênh mạnh mẽ, kết hợp giữa cửa hàng vật lý và nền tảng trực tuyến.

Uniqlo website

Kết hợp kênh online và offline

Trước đây, Uniqlo tập trung chủ yếu vào việc phát triển cửa hàng vật lý. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, hãng đã bắt đầu chú trọng hơn đến kênh bán hàng trực tuyến. Năm 2019, Uniqlo đã ra mắt website thương mại điện tử riêng tại Việt Nam.

Chiến lược đa kênh của Uniqlo cho phép hãng tiếp cận một lượng lớn khách hàng tiềm năng, đồng thời tận dụng sức mạnh của cả kênh online và offline. Kênh online giúp Uniqlo tiếp cận được những khách hàng ở xa cửa hàng vật lý, đồng thời cung cấp trải nghiệm mua sắm tiện lợi và nhanh chóng. Kênh offline giúp Uniqlo xây dựng mối quan hệ trực tiếp với khách hàng, đồng thời tạo ra trải nghiệm mua sắm chân thực và hấp dẫn.

Sự linh hoạt trong kênh bán hàng giúp Uniqlo không chỉ tăng cường doanh thu mà còn nâng cao trải nghiệm khách hàng, đặc biệt là trong bối cảnh mua sắm hiện đại. Khách hàng ngày càng có nhiều lựa chọn khi mua sắm, họ có thể mua hàng trực tuyến hoặc trực tiếp tại cửa hàng. Uniqlo đáp ứng được nhu cầu này của khách hàng, giúp họ có thể mua sắm thuận tiện và dễ dàng hơn.

Sự tăng trưởng ấn tượng

Nhờ vào chiến lược đa kênh, Uniqlo đã ghi nhận sự tăng trưởng doanh thu ấn tượng từ kênh online, đồng thời duy trì được sự phổ biến và ưa chuộng của thương hiệu trên thị trường toàn cầu.

Trong năm 2022, doanh thu online của Uniqlo đã tăng trưởng 20%, đóng góp 25% tổng doanh thu của hãng. Chiến lược đa kênh không chỉ giúp Uniqlo mở rộng thị trường mà còn tăng cường sự nhận diện thương hiệu trên toàn cầu.

Chiến lược đa kênh cũng giúp Uniqlo mở rộng thị trường và tăng cường nhận diện thương hiệu trên toàn cầu. Nhờ có kênh online, Uniqlo có thể tiếp cận được những khách hàng ở những thị trường mới mà hãng chưa có cửa hàng vật lý.

Chiến lược đa kênh của Uniqlo là một ví dụ điển hình cho thấy sự thành công của việc kết hợp giữa kênh bán hàng trực tuyến và truyền thống. Chiến lược này đã giúp Uniqlo tăng cường doanh thu, cải thiện trải nghiệm khách hàng, mở rộng thị trường và tăng cường nhận diện thương hiệu.

Crocs

Crocs là một thương hiệu giày dép nổi tiếng với những đôi dép eva mềm mại, thoải mái với hơn 5.000 cửa hàng tại hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong những năm gần đây, Crocs đã chuyển hướng mạnh mẽ sang chiến lược kinh doanh đa kênh, tập trung vào việc mở rộng kênh bán hàng trực tuyến và tăng cường sự hiện diện trên thị trường quốc tế.

Crocs đặt mục tiêu đạt doanh thu hơn 5 tỷ USD vào năm 2026, với ít nhất 50% doanh thu từ các kênh kỹ thuật số. Để đạt được mục tiêu này, Crocs đã thực hiện một số thay đổi quan trọng trong chiến lược kinh doanh của mình.

Crocs Vietnam

Tăng cường kênh bán hàng trực tuyến

Crocs đã đầu tư mạnh mẽ vào việc phát triển kênh bán hàng trực tuyến. Công ty đã nâng cấp website thương mại điện tử của mình, đồng thời mở rộng các kênh bán hàng trực tuyến khác như marketplace và social commerce.

Nhờ những nỗ lực này, doanh thu trực tuyến của Crocs đã tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây. Trong năm 2022, doanh thu trực tuyến của Crocs đã tăng 30%, đóng góp 35% tổng doanh thu của hãng.

Tăng cường sự hiện diện trên thị trường quốc tế

Crocs cũng đang đẩy mạnh việc mở rộng sự hiện diện trên thị trường quốc tế. Công ty đã mở rộng mạng lưới cửa hàng tại nhiều quốc gia trên thế giới, đồng thời hợp tác với các nhà bán lẻ trực tuyến lớn.

Nhờ những nỗ lực này, Crocs đã tăng cường khả năng tiếp cận khách hàng trên toàn cầu. Trong năm 2022, doanh thu từ thị trường quốc tế của Crocs đã tăng 25%.

Sử dụng các kênh marketing đa dạng

Crocs cũng đang sử dụng các kênh marketing đa dạng để tăng cường tương tác với khách hàng và thúc đẩy doanh số. Công ty đang sử dụng các kênh như email, SMS, và push notification để gửi thông tin khuyến mãi, cập nhật sản phẩm và dịch vụ mới đến khách hàng.

Kết quả

Những nỗ lực của Crocs đã mang lại kết quả khả quan. Công ty đã ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể trong doanh số bán hàng, đặc biệt qua các kênh trực tuyến.

Sự chuyển đổi này không chỉ chứng tỏ sự hiệu quả của mô hình đa kênh mà còn phản ánh sự thích nghi linh hoạt của thương hiệu với thị trường thương mại điện tử đang thay đổi.


V. Kết luận

Trong thời đại mà kỹ thuật số đang dần tái định hình hành vi mua hàng, việc lựa chọn giữa Marketplace và Brand.com không chỉ phản ánh chiến lược kinh doanh mà còn là bước quan trọng định hình tương lai của mỗi doanh nghiệp. 

Trong hành trình chinh phục thế giới thương mại điện tử, việc lựa chọn chiến lược phù hợp với doanh nghiệp là vô cùng quan trọng. Mỗi chiến lược đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng, phù hợp với những mục tiêu và nguồn lực khác nhau của doanh nghiệp.

  • Marketplace là một lựa chọn phù hợp cho các doanh nghiệp muốn tiếp cận lượng lớn khách hàng nhanh chóng và tiết kiệm chi phí. 
  • Brand.com là một lựa chọn phù hợp cho các doanh nghiệp muốn xây dựng thương hiệu độc đáo và tương tác sâu sắc với khách hàng. 
  • Đa kênh là một lựa chọn linh hoạt, giúp doanh nghiệp tận dụng tối đa lợi thế của cả Marketplace và Brand.com. Doanh nghiệp có thể tiếp cận lượng lớn khách hàng từ cả hai kênh online và offline, đồng thời xây dựng thương hiệu độc đáo và tương tác sâu sắc với khách hàng. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần có nguồn lực và khả năng triển khai hiệu quả chiến lược đa kênh.

Để lựa chọn chiến lược thương mại điện tử phù hợp, doanh nghiệp cần cân nhắc các yếu tố sau:

  • Mục tiêu kinh doanh: Doanh nghiệp muốn tập trung vào việc tăng trưởng doanh thu, xây dựng thương hiệu hay cả hai?
  • Nguồn lực: Doanh nghiệp có bao nhiêu nguồn lực để triển khai chiến lược thương mại điện tử?
  • Tầm nhìn chiến lược: Doanh nghiệp muốn phát triển theo hướng nào trong tương lai?

Brand.com đã được chứng minh là con đường thành công của các thương hiệu nổi tiếng toàn cầu trong việc tạo ra không gian độc nhất và trải nghiệm mua sắm gần gũi với khách hàng.

Bên cạnh Marketplaces, Brand.com sẽ là xu hướng đầu tư tất yếu của các doanh nghiệp tại Việt Nam trong những năm tới.

Tham khảo các dự án Brand.com được phát triển bởi Meowcart!

Quay về trang blog